Yên Bái: Hợp tác xã đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị cho nông sản

Trong thời gian qua, Yên Bái đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ các địa phương phát triển liên kết theo chuỗi giá trị; trong đó, xác định vai trò quan trọng của các hợp tác xã (HTX) vừa thúc đẩy liên kết giữa các hộ nông dân thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa tăng cường liên kết với doanh nghiệp để hình thành và phát triển chuỗi bền vững.

Hợp tác xã Xây dựng và Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Mù Cang Chải giới thiệu sản phẩm mật ong tại điểm trưng bày sản phẩm.

HTX Măng tre Bát độ Hưng Khánh, huyện Trấn Yên là một minh chứng điển hình. Hàng năm, vào vụ măng, mỗi ngày, HTX thu mua hàng chục tấn măng tươi cho người dân tại địa phương và một số xã phụ cận với vùng nguyên liệu hơn 400 ha. Địa điểm thu mua đặt ngay tại trung tâm vùng trồng măng tre nên việc vận chuyển, thu mua có nhiều thuận lợi.

Ông Phạm Ngọc Lâm – Giám đốc HTX Măng tre Bát độ Hưng Khánh, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên cho biết: “Măng được người dân thu hoạch, sơ chế ban đầu đến đâu được HTX thu mua phân loại, rửa sạch đến đó. Người dân nhận tiền ngay sau khi bán măng nên đã tạo được sự tin tưởng, yên tâm mở rộng quy mô trồng măng. Sở dĩ làm được điều này là vì HTX đã xây dựng được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp và công ty thu mua”.

Hiện tại, HTX Măng tre Bát độ Hưng Khánh đã liên kết với doanh nghiệp đứng ra trực tiếp thu mua sản phẩm măng cho nhân dân đảm bảo ổn định về giá, kịp thời vụ. Các hộ dân trồng măng, thu hoạch theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng nên doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất đảm bảo bao tiêu được cả vùng nguyên liệu, đồng thời hỗ trợ ngược lại một phần phân bón, giống, tập huấn kỹ thuật sơ chế ban đầu cho nông dân. Chính sự liên kết này đã giúp người dân ổn định sản xuất, HTX có lợi nhuận và doanh nghiệp sản xuất được những sản phẩm chất lượng phục vụ cho xuất khẩu.

Anh Hà Đình Cường – thôn Ngọn Đồng, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên cho biết: “Chúng tôi rất phấn khởi, yên tâm trồng và chăm sóc măng tre vì sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ đến đó. Vừa không lo bị thương lái ép giá, vừa có nguồn thu nhập ổn định. Chúng tôi hy vọng, việc liên kết phát triển sản xuất sẽ ngày càng phát triển bền vững để thu nhập của người nông dân ngày càng được nâng lên”.

Cũng là điển hình trong xây dựng chuỗi liên kết, tại huyện vùng cao Trạm Tấu, HTX Nông nghiệp hữu cơ Trạm Tấu hiện thu mua chè Shan tuyết Phình Hồ cho người dân địa phương. Với lợi thế là giống chè nổi tiếng có chất lượng thơm ngon, vùng chè Shan tuyết Phình Hồ có diện tích trên 200 ha tương đương khoảng trên 300.000 gốc chè đang cho thu hoạch trên 200 tấn chè búp tươi mỗi năm. Để nâng cao giá trị cho cây chè, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ, các thành viên HTX và người dân trong vùng đã được chuyển giao khoa học – kỹ thuật về trồng, chăm sóc, thu hoạch chè, qua đó vừa giúp nâng cao năng suất vừa bảo vệ được cây chè cổ.

Chị Sùng Thị Sa – thôn Chí Lừ, xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu cho biết: “Trước đây, chúng tôi trồng và chăm sóc chè hoàn toàn theo kinh nghiệm, còn nay thì đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế cao hơn, nhờ đó mà đời sống cũng khấm khá hơn. Tôi hy vọng, thông qua việc thu mua, quảng bá thương hiệu của HTX, doanh nghiệp và cơ quan truyền thông, thương hiệu chè Shan tuyết Phình Hồ sẽ ngày càng được nhiều người biết đến hơn nữa”.

Để tăng tính gắn kết giữa vùng nguyên liệu và sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chế biến sâu ngay tại địa phương, HTX Nông nghiệp hữu cơ Trạm Tấu đã liên kết với Công ty TNHH Hiệp Thành đặt nhà máy sản xuất chè ngay tại vùng nguyên liệu. Nhờ đó, không chỉ tạo việc làm cho người dân địa phương mà còn giúp nâng cao giá trị cho búp chè Shan tuyết, giảm chi phí các khâu trung gian cho HTX và doanh nghiệp.

Đặc biệt, điểm nổi bật trong xây dựng chuỗi liên kết trong sản phẩm chè ở Phình Hồ là có sự tham gia tích cực của ngành khoa học. HTX đã vận động các thành viên tích cực tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc chè Shan hữu cơ. Đồng thời, cùng với địa phương và Viện Nông nghiệp Việt Nam xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Chè Shan tuyết Phình Hồ. Sản phẩm cũng được tỉnh chấm đạt tiêu chuẩn 3 sao theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP. Điều này có ý nghĩa rất lớn góp phần xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm chè. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để địa phương bảo vệ được vùng chè, sản phẩm chè được chứng nhận đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường châu Âu.

Hiện tại, toàn tỉnh có trên 700 hợp tác xã, trong đó có khoảng trên 400 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm gần 60% tổng số HTX. Các hợp tác xã nông nghiệp chủ yếu hoạt động theo các mô hình kinh doanh tổng hợp như: kết hợp dịch vụ sản xuất với chế biến; cung cấp giống cây trồng vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác…

Các HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy được vai trò trợ giúp kinh tế hộ phát triển; một số HTX đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong quản lý và sản xuất, kinh doanh, liên kết chuỗi giá trị bền vững. Các HTX tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của các địa phương, góp phần mở mang các loại ngành nghề, tăng thu nhập cho người lao động và đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các HTX cũng gặp phải những thách thức, nhất là đối với các HTX ở các huyện vùng cao, đó là khó khăn về cơ sở vật chất đầu tư cho sản xuất; một số HTX năng lực quản lý còn nhiều hạn chế; lao động mang tính thời vụ… Do đó, ngoài sự chủ động để tạo ra những sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường mang thương hiệu của riêng mình, các HTX rất cần tới sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo điều kiện để HTX phát triển, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 600187
  • Truy cập hôm nay: 179
  • Đang trực tuyến: 2