Yên Bái hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững

Những năm qua, tỉnh Yên Bái đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND ngày 14/4/2020 của HĐND tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025. Công tác tuyên truyền, phổ biến đã từng bước đưa Nghị quyết số 09 đi vào cuộc sống.

Các doanh nghiệp Yên Bái đã thiết thực tạo việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động. Ảnh: Công nhân Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình trong giờ sản xuất.

Một khó khăn khách quan rất lớn là từ năm 2020 đến nay, tình hình thời tiết và dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, trong đó có việc triển khai thực hiện Nghị quyết 09. Mặt khác, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có quy mô vốn nhỏ, năng lực tài chính yếu, trình độ quản trị thấp, khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ của tỉnh còn hạn chế, chưa đủ điều kiện để được hỗ trợ theo chính sách.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09, UBND tỉnh đã khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn, giao nhiệm vụ và chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các cơ quan liên quan tăng cường, đẩy mạnh triển khai thực hiện, bố trí kinh phí từ nguồn chi thực hiện các chính sách, nhiệm vụ khác của ngân sách cấp tỉnh.

Với 9 nội dung hỗ trợ các DNNVV từ nguồn ngân sách tỉnh, từ năm 2020 đến nay, có 3 nội dung của Nghị quyết số 09 đã đem lại hiệu quả rõ nét.

Ở nội dung hỗ trợ thủ tục hành chính, các DNNVV đã được hướng dẫn, tư vấn miễn phí về các thủ tục hành chính tại các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm Hành chính công tỉnh và bộ phận phục vụ hành chính công các huyện, thị xã, thành phố theo quy định.

Đối với nội dung hỗ trợ tài chính, tín dụng, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh và Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Yên Bái đã thực hiện theo quy định của pháp luật về hỗ trợ tài chính, tín dụng cho các DNNVV. Nội dung hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, qua triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Tính từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh đã xem xét, phê duyệt hỗ trợ cho 32 doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh với tổng kinh phí hỗ trợ 1.273,7 triệu đồng. Còn đối với 6 chính sách hỗ trợ về hỗ trợ mặt bằng sản xuất, hỗ trợ đổi mới công nghệ, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, hiện tại chưa có DNNVV nào của tỉnh nộp hồ sơ đề nghị.

Tiếp tục đưa Nghị quyết số 09 phát huy hiệu quả hơn nữa là yêu cầu đặt ra trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ. Yêu cầu này đòi hỏi các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp cần chú trọng đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ đồng thời thẩm định, trình phê duyệt kinh phí hỗ trợ theo đúng quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, cần quan tâm thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ của các doanh nghiệp cùng với tiếp nhận các đề xuất, kiến nghị và kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp nhận, được hưởng các chính sách hỗ trợ. Một vấn đề quan trọng là cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư.

Đặc biệt, cần tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả thực hiện các chính sách liên quan đến hỗ trợ DNNVV nhằm đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi chính sách cho phù hợp với quy định của pháp luật, tình hình thực tế của địa phương và nhu cầu của các DNNVV. Phía các doanh nghiệp cũng cần chủ động nghiên cứu, nắm bắt kịp thời, đầy đủ các nội dung của Nghị quyết số 09 và phối hợp với cơ quan chức năng để triển khai thực hiện.

Sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp sẽ góp phần thiết thực thúc đẩy và có đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Điều này được chứng minh thuyết phục qua các số liệu cụ thể: năm 2022, Yên Bái có 2.960 doanh nghiệp, tạo việc làm cho 45.718 lao động, thu nhập bình quân khoảng 7,5 triệu đồng/người/tháng và nộp ngân sách 1.584 tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2021.

Đến hết 10 tháng của năm 2023, có 3.210 doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, giải quyết việc làm cho 48.503 người, thu nhập bình quân đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng. Hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung, các DNNVV nói riêng phát triển và phát triển bền vững chính là duy trì sự phát triển bền vững của tỉnh. Vì vậy, chung sức đưa Nghị quyết số 09 tiếp tục phát huy hiệu quả chính là không ngừng hỗ trợ các DNNVV phát triển bền vững.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 600278
  • Truy cập hôm nay: 270
  • Đang trực tuyến: 1