Sáng 14/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển. Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Trần Lưu Quang; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp, Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái có đồng chí Nguyễn Thế Phước – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, các sở, ngành và các DNNN thuộc.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Hiện nay, ngoài các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp, cả nước chỉ còn 77 DNNN quy mô lớn gồm: 6 tập đoàn kinh tế; 53 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ – công ty con.
Tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng DNNN nhưng khối công ty mẹ Tập đoàn Tổng công ty (doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn) lại nắm giữ khoảng 92% tổng tài sản, 93% tổng doanh thu và 92% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DNNN trên phạm vi toàn quốc.
DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu sản xuất, kinh doanh của DNNN đạt 580.490 tỷ đồng, bằng 53,7% kế hoạch năm, tăng 4% so cùng kỳ; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 18.195 tỷ đồng, bằng 56,7% kế hoạch năm và bằng 89% so cùng kỳ; nộp ngân sách nhà nước đạt 33.828 tỷ đồng, bằng 90,4% và tăng 1% so với cùng kỳ. Riêng kết quả sản xuất kinh doanh công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty, ước đến tháng 8 năm 2023 tổng doanh thu ước đạt 781.973 tỷ đồng, bằng 114% kế hoạch và tăng 5% so với cùng kỳ; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 50.994 tỷ đồng, bằng 126% kế hoạch năm và bằng 111% so với cùng kỳ.
Tại tỉnh Yên Bái hiện có 11 DNNN, trong đó có 10 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động trong các lĩnh vực lâm nghiệp, thủy lợi, kinh doanh xổ số và 1 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nước sạch đô thị. 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu khu vực DNNN đạt 82.624 triệu đồng; tổng lợi nhuận sau thuế là 2.746 triệu đồng; nộp ngân sách 15.383 triệu đồng.
Tại Hội nghị, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã báo cáo cụ thể tình hình sản xuất kinh doanh; nêu lên các vướng mắc, khó khăn và đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung quan trọng, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, nhằm tháo gỡ khó khăn, huy động nguồn lực; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đổi mới tổ chức công tác đảng, đổi mới sắp xếp cán bộ…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp “Chung sức đồng lòng, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế đất nước trong năm 2023 và những năm tiếp theo”.
Thủ tướng cho rằng, quan điểm chung thời gian tới là phải tháo gỡ các khó khăn mới phát sinh và các khó khăn, vướng mắc đã tích tụ nhiều năm, kịp thời đưa ra các chính sách giải quyết hiệu quả. DNNN phải đóng vai trò quan trọng, dẫn dắt, mở đường để thúc đẩy tăng trưởng nên phải huy động được nguồn lực này. DNNN cần đầu tư trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Mặt khác, Chính phủ, các ngành, địa phương, chủ sở hữu phải đồng hành, kề vai sát cánh với doanh nghiệp. Phát huy tinh thần đoàn kết, bản sắc văn hoá dân tộc, đạo đức kinh doanh, nỗ lực, tự vươn lên bằng nội lực. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đồng thuận của nhân dân, xây dựng doanh nghiệp nhà nước trở thành tiên phong, với vai trò dẫn dắt; tập trung đổi mới tổ chức công tác đảng, đổi mới sắp xếp cán bộ.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục góp phần hoàn thiện thể chế, nhằm tháo gỡ khó khăn, huy động nguồn lực trên tinh thần phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính. Các doanh nghiệp phải tăng cường đóng góp xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện các mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm về phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, tái cơ cấu doanh nghiệp sát với tình hình thực tế, tăng năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn. Các doanh nghiệp phải tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa các chương trình, dự án lớn của Nhà nước, đặc biệt là 3 đột phá chiến lược. Các doanh nghiệp kịp thời phản ánh các khó khăn, vướng mắc để được giải quyết, tháo gỡ kịp thời.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng mong các doanh nghiệp tích cực góp phần xây dựng hoàn thiện các thể chế, cơ chế, chính sách; đề xuất các giải pháp nhằm bảo vệ, khuyến khích, tạo động lực, truyền cảm hứng cho cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đề cao đạo đức doanh nhân, có trách nhiệm với xã hội, đặc biệt là vùng sâu, vùng khó khăn, những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn; chăm lo cải thiện đời sống cho cán bộ, công nhân, người lao động…