Lãi suất tiền gửi cao nhất tại 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đồng loạt giảm 0,2%, xuống còn 7,2%/năm.
Mức lãi suất 7,2%/năm này đang được 4 ngân hàng nêu trên áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Trước đó, các kỳ hạn này có lãi suất là 7,4%/năm.
Đây là lần thứ hai kể từ đầu tháng 3, các ngân hàng thương mại Nhà nước giảm lãi suất huy động.
Trong tuần trước, 4 ngân hàng này cũng đã đồng loạt giảm 0,1 – 0,2%/năm ở kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng từ 6% xuống còn 5,8 – 5,9%/năm so với cuối tháng 2/2023; kỳ hạn từ trên 12 tháng đến trên 36 tháng cũng được giảm từ 7,4% xuống còn 7,2%. Riêng kỳ hạn 12 tháng cả 4 ngân hàng này đều giữ nguyên ở mức 7,4%.
Việc “bắt tay” giảm lãi suất huy động của nhóm Big 4 này nhằm hưởng ứng chủ trương giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là từ hôm nay, nhà điều hành đã quyết định giảm từ 0,5% đến 1% đối với hàng loạt lãi suất điều hành.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm. Riêng lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
Ngân hàng Nhà nước lý giải việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro; không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường;
Cơ quan quản lý cũng nghiêm cấm ngân hàng thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách vượt trần lãi suất huy động, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn; theo dõi các trường hợp ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các ngân hàng này.