Sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự nếu trốn đóng bảo hiểm xã hội

Tình trạng nhiều đơn vị, doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho hàng nghìn lao động với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng đã gây thiệt thòi cho người lao động. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng nặng chế tài xử lý đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, thậm chí phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cần tăng nặng chế tài xử lý đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH (Ảnh minh họa)

Thời gian qua, mặc dù cơ quan BHXH và các cơ quan liên quan đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH, thế nhưng vấn đề nợ, trốn đóng BHXH vẫn diễn ra phổ biến và chưa có dấu hiệu giảm, gây thiệt thòi, khó khăn cho người lao động.

NóMột trong những nguyên nhân khiến tình trạng này vẫn gia tăng đó là chế tài xử phạt còn nhẹ. Làm sao để xử lý hình sự các doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH đã và đang là vấn đề trăn trở của nhiều người.

Theo các cơ quan chức năng, Điều 216, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định tội trốn đóng BHXH nhưng trên thực tế, không truy tố được người sử dụng lao động do các doanh nghiệp chỉ nợ BHXH, không trốn đóng BHXH. Trong khi biện pháp xử lý doanh nghiệp nợ BHXH chỉ là xử phạt hành chính, mức xử phạt thấp, không đủ sức răn đe…

Để ngăn tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, ngày 29/6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật BHXH sửa đổi năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025) bổ sung nhiều biện pháp chế tài xử lý tình trạng này. Theo đó, Luật BHXH sửa đổi năm 2024 quy định, sau thời hạn đóng BHXH bắt buộc chậm nhất mà không đóng thì người sử dụng lao động ngoài việc phải đóng đủ số tiền trốn đóng và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng. Do đó, doanh nghiệp nợ BHXH càng nhiều thì số tiền xử phạt càng cao. Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên…

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh quy định về xử lý hành chính, cần nâng cấp xử lý theo hướng truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo Luật sư Nguyễn Chiến, Giám đốc Công ty luật Nguyễn Chiến, tình trạng nợ lương, trốn đóng BHXH của các doanh nghiệp vẫn luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội và là bài toán khó giải đối với cơ quan chức năng trong nỗ lực bảo vệ quyền lợi của người lao động. Theo Tờ trình của Chính phủ, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH đang diễn ra rất phức tạp, ước tính số tiền bị chậm, bị trốn bình quân trên 10.000 tỷ đồng/năm.

Việc xử lý hành vi trốn đóng BHXH hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là khó khăn trong việc xử lý và thi hành quyết định xử phạt. Những trường hợp này, các cơ quan chức năng có thẩm quyền phát hiện để xử lý đã khó, nhưng khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính rồi thì việc thi hành lại càng khó hơn.

Bên cạnh đó, chế tài xử phạt đối với hành vi này còn quá nhẹ, chưa đủ nghiêm để răn đe và giáo dục. Có trường hợp doanh nghiệp tuyên bố phá sản, thay đổi pháp nhân hoặc dừng hoạt động để né tránh nghĩa vụ pháp lý phải thực hiện đối với người lao động.

Luật sư Nguyễn Chiến cho rằng, việc xử phạt đối với các dạng hành vi chậm, trốn đóng BHXH nên có sự thay đổi theo hướng gia tăng, bổ sung nhiều hơn nữa biện pháp, chế tài xử lý tình trạng chậm, trốn đóng BHXH.

“Cần xây dựng một hệ thống chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp chậm, trốn đóng BHXH bắt buộc. Các chế tài này cần được quy định rõ ràng và đúng về bản chất hành vi. Trên cơ sở đó mới quy định phương thức xử lý, mức độ xử lý, cơ quan, tổ chức/cá nhân có thẩm quyền xử lý và biện pháp bảo đảm thi hành các chế tài xử lý. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để áp dụng thêm các biện pháp như quyết định tạm ngừng sử dụng hóa đơn, tạm hoãn xuất cảnh, khởi tố hình sự đối với người đại diện theo pháp luật”.

Luật sư Nguyễn Danh Huế – Chủ tịch HĐTV Công ty luật Hừng Đông nêu quan điểm, ngoài phạt hành chính, nặng hơn, người sử dụng lao động trốn đóng BHXH còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017). Theo đó, người có hành vi vi phạm có thể phải chịu phạt tiền, đi tù đến 7 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội thì có thể bị phạt tới 3 tỷ đồng.

“Đối với những chế tài hiện nay, đặc biệt là về hành chính, tôi cho rằng chưa đủ sức răn đe. Việc quy định mức phạt trần tối đa 75 triệu đồng có thể bị nhiều doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi. Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp có đông lao động, số tiền phải đóng BHXH mỗi tháng khoảng vài tỷ đồng. Nếu không đóng BHXH trong vài tháng, số tiền doanh nghiệp chiếm dụng được lên đến cả chục tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp chỉ mất 75 triệu đồng để đóng phạt, doanh nghiệp vẫn lời to, chỉ có người lao động là thiệt thòi”, luật sư Nguyễn Danh Huế cho hay.

Cũng theo luật sư Huế, hiện nay, khoản thu đối với BHXH rất khó, nguyên nhân là do quy định về cơ chế, chính sách xử phạt chưa đủ sức răn đe doanh nghiệp. BHXH là cơ quan thường xuyên kiểm tra và phát hiện các trường hợp vi phạm nhưng lại không được quyền xử phạt, nên các doanh nghiệp không chấp hành và ngày càng cố tình không đóng, chậm đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH cho người lao động.

Để hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH, bên cạnh khởi kiện dân sự, xử lý hình sự, rất cần có những biện pháp mạnh tay hơn, đánh thẳng trực tiếp vào đội ngũ quản lý doanh nghiệp như: cấm xuất cảnh trong thời hạn nhất định; không vinh danh, không khen thưởng đối với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm, công khai danh sách doanh nghiệp nợ đọng BHXH lên cổng thông tin, doanh nghiệp, nợ bảo hiểm 6 tháng trở lên sẽ đưa vào dạng thanh tra. Ngoài ra, đánh trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu đến mức tối đa tình trạng chậm, trốn đóng BHXH cho người lao động.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 601049
  • Truy cập hôm nay: 68
  • Đang trực tuyến: 2