Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vượt Thái Lan

Nếu các tháng trước, gạo 5% tấm của Việt Nam giá luôn thấp hơn hàng Thái 5-7 USD một tấn, nay cao hơn 18-25 USD.

Gạo ST25 bày bán tại một đại lý trên đường 3/2, quận 10 (TP HCM).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 10, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 425-430 USD một tấn, ghi nhận mức cao nhất trong một năm qua. Mức giá này đã khiến gạo Việt cao hơn hàng cùng loại của Ấn Độ khoảng 48-51 USD một tấn và Thái Lan 18-25 USD một tấn.
 
Giá tăng cao nhất so với 2 đối thủ xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và 10 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đã đạt hơn 6 triệu tấn, thu về gần 3 tỷ USD, tăng hơn 17% về khối lượng và hơn 7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Theo các doanh nghiệp, đây không phải là lần đầu tiên giá gạo Việt cao hơn của Thái Lan (đối thủ xuất khẩu lớn nhất cùng phân khúc gạo). Thế nhưng gần đây, gạo Việt có nhiều thay đổi khi ngày càng cải thiện về chất lượng và khẳng định thương hiệu.
 
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho hay trước đây gạo Việt xuất khẩu đa phần là hàng gạo bình dân thì nay đã ghi dấu ấn nhiều hơn ở sản phẩm chất lượng cao. “Gạo thơm Việt Nam đi sau Thái Lan nhưng đang phát triển nhiều giống lúa mới nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng”, ông Bình nói.
 
Vị này cũng cho biết, giá gạo xuất sang thị trường châu Âu rất cao, 700-1.250 USD mỗi tấn. Mỗi tháng công ty ông xuất khẩu khoảng 30 container gạo sang thị trường này.
 
Mới đây, giống gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam là ST25, ST24, “Gạo Ông Cua Việt Nam” cũng đã được bảo hộ thương hiệu để bán vào Australia.
 
Cùng thời điểm, Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn bởi lần đầu tiên món cơm chiên sử dụng gạo ST25 đến từ Việt Nam trở thành “bữa trưa đặc biệt” tại Văn phòng Nội các Nhật Bản. Tại Pháp, thương hiệu “Cơm Vietnam Rice” được bày bán trên kệ 4.000 siêu thị ở Pháp.
 
Theo các doanh nghiệp, trong 3 năm tới, Việt Nam vẫn sẽ hưởng lợi khi toàn cầu sắp đối mặt với biến đổi khí hậu, nguồn cung lương thực khan hiếm. Hiện, năng suất sản xuất lúa gạo của Thái Lan đang giảm, trong khi đó, quy mô vụ mùa của Ấn Độ sẽ thấp hơn so với kỳ vọng trước đó do mưa đã làm hư hại các ruộng lúa ở các bang phía Bắc và Đông Bắc. Các trận mưa lớn đã làm hỏng mùa màng ngay trước khi thu hoạch ở các bang sản xuất chính như Uttar Pradesh, Tây Bengal và Andhra Pradesh hồi đầu tháng.
 
Trong khi đó, quốc gia láng giềng Bangladesh đang phải vật lộn với hậu quả của cơn bão Sitrang xảy ra vào đầu tuần. Theo ước tính sơ bộ của Bộ Nông nghiệp nước này, cơn bão đã phá hủy diện tích lúa trên 6.000 ha và có khả năng lại là cú sốc với quốc gia vốn đang đấu tranh để kìm hãm giá gạo tăng trên thị trường nội địa, sau khi lũ lụt hồi đầu năm đã phá hủy 254.000 tấn gạo.
 
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. Sản lượng xuất hàng năm khoảng 6-6,5 triệu tấn, bằng 30% của Ấn Độ, chiếm 7,8% giao dịch thương mại toàn cầu và là nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc với 24,5% thị phần. Hiện gạo Việt cũng xuất sang 28 nước và vùng lãnh thổ, trải khắp các châu lục, nhiều nhất là châu Á và châu Âu.
 
Tại thị trường trong nước 9 tháng đầu năm, giá lúa gạo miền Bắc có xu hướng tăng còn tại miền Nam lại giảm so với cùng kỳ năm 2021 (lúa thường IR50404 tươi giảm 100-200 đồng một kg; lúa khô giảm khoảng 200 đồng một kg; lúa chất lượng cao OM 5451 giảm 400-500 đồng một kg.
Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất: