Bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi giải quyết các thủ tục bảo hiểm xã hội

Hiện nay, ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) bãi bỏ hoàn toàn sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi giải quyết các thủ tục về BHXH.

Dùng căn cước công dân gắn chip có thể thực hiện nhiều giao dịch về BHXH, bảo hiểm y tế.

Ngày 8-12, BHXH Việt Nam cho biết, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp tham gia BHXH, ngành chú trọng thực hiện Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21-12-2022 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Theo đó, BHXH Việt Nam đã thực hiện rà soát các thủ tục hành chính, dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành và bãi bỏ thành phần hồ sơ là “sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy” trong các thủ tục hành chính lĩnh vực thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT.

Hiện nay, các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam không còn thủ tục nào quy định về việc cung cấp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm phục vụ việc tra cứu, đối soát thông tin của công dân và hướng dẫn triển khai, thực hiện.

Tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính, BHXH Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan chấp hành nghiêm quy chế tổ chức và hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong ngành BHXH. Thành phần hồ sơ bảo đảm theo quy đình của ngành, không được yêu cầu thêm hồ sơ ngoài quy định.

Việc xác thực danh tính cá nhân áp dụng đối với tất cả các trường hợp nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính phải đúng người, đúng quy định. Thông tin xác thực danh tính được tra cứu, khai thác qua chức năng tra cứu thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VneID (trường hợp người dân cung cấp thông tin qua ứng dụng VNeID). Hình thức khác là sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QR hoặc thiết bị đọc chíp trên thẻ Căn cước công dân gắn chip (trường hợp đã được BHXH Việt Nam trang bị thiết bị đọc mã QR hoặc thiết bị đọc chip trên thẻ căn cước công dân gắn chip để xác định).

Với trường hợp đã tra cứu thông tin theo các phương thức trên nhưng không có dữ liệu để xác thực, cán bộ tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú.

Đối với thủ tục hành chính có yêu cầu nộp hồ sơ tại nơi cư trú nhưng người dân lại nộp hồ sơ tại nơi khác nơi cư trú ghi trên căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân (còn giá trị sử dụng), thì chỉ yêu cầu các thành phần hồ sơ theo đúng quy định của BHXH Việt Nam hiện hành; xác thực danh tính cá nhân để giải quyết đúng người, đúng quy định…

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 601316
  • Truy cập hôm nay: 335
  • Đang trực tuyến: 3